BÀI HỌC ỨNG XỬ CHO BÉ
Người lớn chúng ta là những người đến với thế giới này trước các con, nhiệm vụ của chúng ta là giúp các con bước tiếp trên một con đường bằng phẳng hơn. Không để các con tự lớn bố/mẹ/cô/thầy phải là người hướng dẫn và đồng hành cùng. Hãy chia sẻ và dạy bảo con những điều con chưa biết đừng để con tự lớn khôn, con cũng sẽ tự lớn thôi nhưng lớn như thế nào chúng ta chưa biết. Nếu những bài học trong cuộc đời con có được phụ thuộc vào môi trường tự nhiên con sẽ học một cách ngẫu nhiên đúng sai điều có và đương nhiên cái con chọn có thể phù hợp hay không phù hợp ta cũng đều phải chấp nhận. Thế nhưng chúng ta hình dung nếu ta tác động có chủ đích, giúp con học những bài học đúng ngay từ đầu câu chuyện cuộc đời con sẽ hoàn toàn khác. Với mong muốn tất cả chúng ta xây dựng khởi điểm cho con một nhân cách tốt đẹp Trường Mầm non Anpha Miền Nam xin gởi phụ huynh những bài học kỹ năng ứng xử cho bé để chúng ta cùng phối hợp thực hiện đạt đích mong muốn mà chúng ta hướng đến.
BÀI HỌC 1
NHÀ EM CÓ NGƯỜI BẠN THÂN TÊN SEM
Chuẩn bị: Một bạn thú bông/ búp bê size to, một bộ quần áo mặc cho thú bông/ búp bê
Cách thực hiện: Giới thiệu cho con thành viên mới của gia đình, đặt tên thú bông/ búp bê để tiện xưng hô. Sắp xếp một ví trí cho thú bông/ búp bê tham gia vào các buổi sinh hoạt khi dạy trẻ.
Kể câu chuyện cho con nghe từ bài học thú bông. Câu chuyện có một thành viên mới trong gia đình.
Hôm nay nhà mình có bé mới làm bạn cùng con, bạn tên là SEM, con hãy cho SEM sinh hoạt cùng con nhé!
Để làm quen SEM con có thể ôm bạn một cái – Phụ huynh hãy dạy con cách ôm nhẹ nhàng, ôm đối diện, tay xoa lưng, đặt thú bông/ búp bê lại vị trí cẩn thận (có thể cho trẻ chủ động đến ôm mà không xê dịch vị trí của vật).
Bố/ mẹ khen trẻ khi trẻ thực hiện đúng hành vi mình hướng dẫn. Lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ quen lực tay khi ôm làm quen bạn. Trẻ chưa thực hiện được phụ huynh làm mẫu trước và hỗ trợ trẻ làm bằng cách, đứng sau lưng con cầm tay và kiểm soát lực tay nhẹ để cùng con ôm búp bê. Thực hiện việc này một vài lần cho đến khi con thực hiện được một cách chủ động và kiểm soát được theo hướng dẫn của ba/mẹ.
Mục tiêu giáo dục: Biết cách thể hiện yêu thương bằng cái ôm, kiểm soát được lực tay khi ôm. Chấp nhận một thành viên mới trong gia đình ngoài bản thân.
BÀI HỌC 2
BÉ VÀ SEM CÓ QUÀ
Chuẩn bị: 02 món quà nhỏ xinh xinh (có thể ăn được) có thể là 2 cái bánh nhỏ.
Cách thực hiện: Cho bé và bạn SEM ngồi ngay ngắn, song song. Bố/ mẹ chia quà cho hai bạn đều ngang bằng nhau, cả hai bạn đều có 2 cái bánh. Bố/mẹ ngồi lại cùng con tại bàn để quan sát toàn bộ hành vi của bé. Bạn nhỏ nhà mình sẽ ăn hết phần bánh của mình và SEM thì đương nhiên chưa dùng hết. Bạn nhỏ nhà mình sẽ có những mong muốn và hành vi sau:
Tình huống 01: Giật lấy bánh của SEM để ăn
Tình huống 02: Đứng dậy và bỏ đi vì không có nhu cầu ăn bánh đấy nữa
Tình huống 03: Xin bố/mẹ cho mình bánh để ăn tiếp
Thực hành TH 01: Giữ bánh lại cho SEM và hướng dẫn con mỗi người có 1 phần ăn của mình, khi con dùng hết phần của mình con không được lấy phần của bạn. Sau đó, bố/mẹ yêu cầu con rời khỏi bàn và để bánh của bạn SEM lại vị trí trước mặt bạn SEM.
Thực hành TH 02: Nói với bố/ mẹ là con đã ăn rồi và con không ăn bánh nữa ah
Thực hành TH 03: Dạy bé hướng về phía bố/ mẹ đưa bàn tay hướng ngửa lên biểu thị con muốn xin thêm. Bố/ mẹ có thể cho trẻ thêm khi trẻ xin. (Bài học từ chối khi được xin sẽ có ở phần sau)
Bố/ mẹ ngợi khen con khi con có hành vi đúng có thể thưởng cho bé thêm 01 cái bánh để khuyến khích ở những lần sau bé thực hiện.
MỤC TIÊU GIÁO DỤC: Dạy trẻ biết phần được chia, phần của mình và phần của bạn. Cách xử lý khi trẻ muốn có nhu cầu xin thêm.
BÀI HỌC 3
BÉ HỌC CHIA SẺ CÙNG MÓN ĐỒ
Chuẩn bị: 01 món đồ chơi mà bé hay chơi ví dụ: Búp bê/ xe …
Cách thực hiện: Dùng món đồ chơi cho bé và SEM chơi cùng, ta sẽ dạy bé chơi luân phiên có nghĩa, Bạn SEM tương tác 1 lượt đến bé tương tác một lượt. Khi đến lượt SEM phải cho bé chờ đợi thời gian chờ đợi mình có thể kéo dài ra chờ 5’’ đến chờ một phút, hai phút. Bố/ mẹ giữ bé lại để bé biết chờ đợi sao khi SEM đã tương tác xong lượt của mình.
Những vấn đề phụ huynh có thể gặp phải: Bé không chờ lượt mà xông đến giật đồ, quấy khóc, ăn vạ, tấn công SEM… đứng dậy bỏ đi không chơi nữa… Tất cả vấn đề gặp phải của bạn nhỏ nhà mình, phụ huynh sẽ kiên nhẫn cùng chơi với con và tập dần cho con quen với việc chờ đợi tới lúc mình chơi và tới lượt bạn. Chia sẻ là bài học cơ bản khi chơi đội nhóm ít nhất từ 2 thành viên trở lên. Việc chơi luân phiên sẽ là kỹ năng tốt giúp trẻ tương tác cùng bạn và chờ đợi được bạn chơi mới đến mình.
Phụ huynh có thể tạo hào hứng bằng cách mỗi lần tới lượt bé sẽ được mẹ ôm hôn, cưng nựng để bé có động lực chờ đợi hơn.
MỤC TIÊU GIÁO DỤC: Giáo dục trẻ cách chơi cùng bạn, giúp bé biết cách chia sẻ và chơi luân phiên cùng bạn.