SỐT XUẤT HUYẾT, SỐT VIRUS VÀ SỐT PHÁT BAN: PHÂN BIỆT NHƯ THẾ NÀO?
Trong bối cảnh số lượng ca sốt xuất huyết tăng đột biến, việc phát hiện sớm dấu hiệu và thực hiện điều trị ngay lập tức trở nên quan trọng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh sốt khác khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Sốt xuất huyết – gánh nặng toàn cầu
Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng đáng kể trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây. Số liệu báo cáo tới WHO cho thấy từ năm 2000 đến năm 2019, số ca mắc đã tăng từ 505.430 lên 5,2 triệu. Theo một mô hình ước tính, mỗi năm có khoảng 390 triệu ca nhiễm virus sốt xuất huyết, trong đó có 96 triệu ca có biểu hiện lâm sàng. Một nghiên cứu khác về tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ước tính rằng có 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm vi rút sốt xuất huyết.
Căn bệnh này hiện đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia thuộc khu vực Châu Phi, Đông Địa Trung Hải, Châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Theo WHO, Đông Nam Á, Châu Mỹ và các khu vực Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, đã có hơn 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc. Số ca mắc chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (8.628 ca) và Hà Nội (5.190 ca).
Sự gia tăng đáng kể này là một tín hiệu đáng báo động. Do đó, Bộ Y tế đã khuyến nghị người dân thực hiện mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tiến hành diệt muỗi, diệt lăng quăng và bọ gậy tại các địa phương.
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Phần lớn các ca bệnh đều không có triệu chứng hoặc nhẹ và có thể tự quản lý, và do đó tỷ lệ mắc bệnh thực tế là không cao do số ca sốt xuất huyết chưa được báo cáo đầy đủ. Nhiều trường hợp còn bị chẩn đoán nhầm là các bệnh sốt khác. Do đó, việc có thể phân biệt được sự khác biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết là điều tối quan trọng để tránh bệnh chuyển biến nặng.
Sốt xuất huyết
Đây là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi, đặc biệt là muỗi Aedes.
Bệnh sốt xuất huyết thường tiến triển qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2-3 ngày đầu): Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường có sốt cao liên tục (trên 40°C), khó hạ sốt, đau đầu và đau nhức toàn thân…. Triệu chứng sốt xuất huyết Dengue trong giai đoạn này tương tự như các bệnh sốt siêu vi khác và chỉ có thể được phân biệt thông qua xét nghiệm máu.
Giai đoạn 2 (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7): Trong giai đoạn này, sốt bắt đầu giảm nhưng có thể xảy ra các biến chứng như tăng tính thấm của mạch, giảm tiểu cầu và có thể xuất hiện nổi ban đỏ trên da ở mức độ khác nhau. Các triệu chứng chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu xuất hiện ở một số bệnh nhân, bao gồm chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, kinh nguyệt không đều, nôn ra máu hoặc đi đại tiện ra máu…
Giai đoạn 3 (từ ngày thứ 7 trở đi): Trong giai đoạn này, các triệu chứng sẽ bắt đầu hồi phục và bệnh nhân không còn sốt nhưng có thể vẫn xuất hiện nổi ban đỏ trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể kéo dài trong vài ngày. Các chỉ số tiểu cầu, bạch cầu, tốc độ máu lắng,… dần trở về mức bình thường
Bệnh sốt phát ban và sốt siêu vi khác
Đối với bệnh sốt phát ban, sốt virus, hầu hết các trường hợp bắt đầu bằng sốt cao từng đợt (thân nhiệt có thể tăng lên 39 – 40°C) kèm theo các triệu chứng viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ, mệt mỏi, có thể nôn mửa và phát ban đỏ trên da. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to và đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Mắt có thể bị đỏ, viêm và chảy nước mắt. Một số triệu chứng trên đường tiêu hóa, có thể xuất hiện như đi ngoài phân lỏng, nhầy, không có máu. Hầu hết các trường hợp bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh thường hết sốt và da có thể bắt đầu xuất hiện phát ban trong khoảng 3 – 5 ngày rồi sau đó mất đi.
Có thể thấy, với đặc điểm sốt cao kèm theo đau nhức cơ, nhức đầu, phát ban…, dễ dàng nhận ra bệnh sốt xuất huyết Dengue rất giống với các loại sốt virus hay sốt phát ban thông thường khác. Để phân biệt bệnh cần theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu đặc biệt:
Phát ban khi sốt sẽ biến mất nhanh chóng sau khi thực hiện căng da. Cụ thể, dùng ngón tay cái và ngón trỏ ở cùng một bên để căng da ở vùng có phát ban đỏ hoặc vùng da bị xung huyết. Nếu chấm đỏ đó biến mất khi căng da và xuất hiện lại ngay khi buông ra, đó là sốt phát ban. Ngược lại, nếu chấm đỏ vẫn xuất hiện khi căng da hoặc chấm đỏ lại xuất hiện sau khoảng 2 giây, đó là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue.
Phương pháp chính xác nhất để xác định bệnh sốt xuất huyết là thông qua xét nghiệm công thức máu. Trong trường hợp sốt xuất huyết, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy sự giảm số lượng bạch cầu, giảm số lượng tiểu cầu và tăng tốc độ lắng máu.
6 biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết do được khuyến cáo
– Thường xuyên vệ sinh và làm sạch các dụng cụ chứa nước trong sinh hoạt bằng cách rửa sạch, đậy kín bể và các vật dụng chứa nước để tiêu diệt ấu trùng, loăng quăng, bọ gậy.
– Thường xuyên thay nước trong các bình hoa, sử dụng muối hoặc chất diệt bọ gậy để ngăn chặn muỗi đẻ trứng trong các chậu nước, bể cá, hòn non bộ,…
– Loại bỏ các phế thải, ao tù, hốc nước, vũng nước không cần thiết, lật úp các vật dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng.
– Sử dụng màn khi ngủ, mặc áo dài để che chắn, sử dụng kem xịt, hương muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện muỗi… để tiêu diệt muỗi và ngăn muỗi cắn.
– Hợp tác chặt chẽ, tích cực với ngành y tế trong các chiến dịch diệt muỗi và phun hóa chất để phòng chống dịch bệnh.
– Khi bị sốt, đến cơ sở y tế để được khám và nhận tư vấn điều trị từ bác sĩ chuyên môn, không tự ý tự điều trị tại nhà.